Khoa Công nghệ sinh học
Thông tin ngành - Khoa
10/10/2014 17:35
GIỚI THIỆU KHOA CÔNG NGHỆ SINH HỌC
Giới thiệu 1
1. ĐẶC ĐIỂM CHUNG
Được thành lập từ tháng 6 năm 1991, đầu tiên được đặt tên là “ Ban Kỹ thuật sinh học”. Năm 1993, Trường có quyết định đổi tên thành “Khoa Công nghệ sinh học”, là Trường đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Công nghệ sinh học.
Công nghệ sinh học (CNSH) là một trong 4 hướng công nghệ và sản xuất được nhà nước xếp hàng ưu tiên lâu dài, mục tiêu của việc phát triển và ứng dụng CNSH ở Việt Nam là xây dựng công nghiệp sinh học trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất được các sản phẩm chủ lực, thiết yếu và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân (Trích “Nghị quyết của Chính phủ số 18/CP” ra ngày 11/03/94: Phát triển CNSH ở Việt Nam đến năm 2010” và “Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg” ban hành ngày 22/1/2008” về việc phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng CNSH ở Việt Nam đến năm 2020").
Khoa CNSH Trường Đại học Mở TP.HCM có chức năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lĩnh vực CNSH và ứng dụng nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh chức năng đào tạo, giảng dạy, Khoa đã triển khai các loại hình nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu và sản xuất ứng dụng một số sản phẩm ngay từ những năm 1991 cho đến nay trên các lĩnh vực CNSH trong Nông nghiệp, Vi sinh-Sinh học phân tử, Thực phẩm, Dược và Môi trường.
2. ĐỘI NGŨ GIẢNG DẠY
Khoa có lực lượng giảng viên đầy tâm huyết và giàu kinh nghiệm gồm: 4 PGS.TS, 14 TS, 15 ThS với 06 nghiên cứu sinh, 01 cử nhân và ngoài ra còn có 01 trợ lý phụ trách đào tạo, 01 trợ lý phụ trách sinh viên kiên quản lý hóa chất, lịch làm việc của các phòng thí nghiệm, 01 chuyên viên phụ trách trang thiết bị, máy móc 08 phòng thí nghiệm của Khoa.
Với đội ngũ giảng viên hùng hậu đã đáp ứng được yêu cầu giảng dạy vừa lý thuyết gắn liền với thực tế, cung cấp nguồn kiến thức phong phú cho sinh viên của Khoa.
3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Khoa Công nghệ Sinh học tuyển sinh theo các tổ hợp môn thi:
Toán, Toán, Lý
Toán, Lý, Hóa
Toán, Hóa, Sinh
Toán, Hóa, Anh
Mã ngành: 7420201
Đối tượng tuyển sinh: Người tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc trình độ tương đương
Chương trình đào tạo với thời gian là 4 năm (11 học kỳ). Từ học kỳ thứ 8 sinh viên được chọn chuyên ngành và có 3 chuyên ngành chính:
Chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm;
Chuyên ngành Công nghệ Sinh học Nông nghiệp – Môi trường;
Chuyên ngành Công nghệ Sinh học Y – Dược
Mục tiêu đào tạo: Các cử nhân tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học có năng lực chuyên môn, tư duy sáng tạo, phẩm chất, đạo đức và sức khỏe tốt để giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành học.
Chương trình đào tạo bao gồm cả lý thuyết và thực hành, chú trọng nhiều vào khả năng ứng dụng trong thực tế.
Chương trình được thiết kế mềm dẻo và linh hoạt cả về nội dung và phương thức đào tạo nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nguyện vọng của sinh viên và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giúp sinh viên ra trường dễ dàng có được việc làm thích hợp với sở thích, năng lực chuyên môn và thích ứng nhanh với môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao.
Chương trình được thiết kế có sự giao thoa giữa các chuyên ngành, giúp sinh viên mở rộng kiến thức và tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
4. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Khoa CNSH là khoa có phong trào NCKH mạnh trong trường ĐH Mở TP.HCM
Nghiên cứu khoa học giảng viên
- Là Khoa có phong trào NCKH mạnh nhất trong trường. Phần lớn các giảng viên đều đang chủ trì các đề tài NCKH cấp trường, liên kết NCKH với các tỉnh hoặc thành phố
- Có nhiều công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Giảng viên tích cực, nhiệt tình tham gia hướng dẫn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Xây dựng và phát triển một số dự án nghiên cứu mang tính ứng dụng thông qua Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng CNSH.
Nghiên cứu khoa học sinh viên
Phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên rất mạnh mẽ. Sinh viên tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và hàng năm khoa đều có các đề tài dự thi và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi sinh viên NCKH cấp bộ, Eureka, sonny xanh,…
5. CÁC TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ TRONG VIỆC GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU
Khoa có hệ thống các phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị hiện đại đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Các phòng thí nghiệm của Khoa CNSH được trang bị những dụng cụ, thiết bị nghiên cứu chuyên ngành nhằm phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực CNSH cơ bản và ứng dụng; là nơi giảng viên thực hiện các đề tài, dự án và là nơi sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp, đề tài NCKH SV.
Hiện nay, Khoa có 08 phòng thí nghiệm tại cơ sở Bình Dương: PTN Vi sinh - Sinh học phân tử, PTN Công nghệ vi sinh 01, PTN Công nghệ vi sinh 02, PTN động vật học, PTN Công nghệ tế bào, PTN Công nghệ thực phẩm, PTN Hóa- Môi trường, PTN Sinh hóa.
Trại thực nghiệm tại Bình Thuận: hiện tại cây thanh long đang phát triển. Trại thực nghiệm là nơi nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên
6. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA SINH VIÊN
Ngoài các hoạt động ngoại khóa phong phú, hiện tại trong khoa có 04 câu lạc bộ học thuật theo các chuyên ngành đào tạo như CLB Môi trường, CLB Nông nghiệp, CLB Vi sinh -Sinh học phân tử, CLB Thực phẩm và 01 CLB Tiếng Anh nhằm tạo các sân chơi cho sinh viên, nâng cao khả năng chuyên môn và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
7. VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP
Chuyên ngành đào tạo:
- Chuyên ngành Công nghệ Sinh học Thực phẩm
- Chuyên ngành Công nghệ Sinh học Nông nghiệp – Môi trường
- Chuyên ngành Công nghệ Sinh học Y – Dược
7.1. Chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm:
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, Cử nhân Công nghệ Sinh học chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm có khả năng làm việc tại:
- Nhà máy, công ty sản xuất thực phẩm: Nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm; Chuyên viên quản lý chất lượng
- Các công ty bán nguyên liệu, phụ gia, hóa chất, trang thiết bị: Nhân viên bán hàng kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật
- Các công ty chuyên về các hệ thống quản lý chất lượng: Chuyên viên tư vấn, đào tạo, đánh giá
- Các nhà hàng, khách sạn, siêu thị: Nhân viên quản lý chất lượng tổng quát; Nhân viên phát triển sản phẩm
- Bệnh viện, cơ quan y tế, cơ quan kiểm nghiệm: Kiểm nghiệm viên
- Trường đại học, các viện nghiên cứu: Giảng viên, nghiên cứu viên
- Tiếp tục theo học các bậc sau đại học
7.2. Chuyên ngành Công nghệ Sinh học Nông nghiệp – Môi trường
7.2.1. Hướng Công nghệ Sinh học Nông nghiệp
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, Cử nhân Công nghệ Sinh học theo hướng Công nghệ Sinh học Nông nghiệp có khả năng làm việc tại:
- Các cơ quan quản lý có liên quan đến Sinh học và Công nghệ Sinh học thực vật, động vật của các Bộ, Ngành hoặc các địa phương như Viện nghiên cứu nông nghiệp, Viện di truyền, các viện kiểm nghiệm, các bệnh viện và các trung tâm nghiên cứu,…
- Làm chuyên viên phụ trách kỹ thuật, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm tại các đơn vị sản xuất trong các lĩnh vực Nông, Lâm
- Tạo lập hoặc tham gia quản lý, điều hành trang trại trồng trọt, doanh nghiệp sản xuất
- Kinh doanh các sản phẩm Công nghệ Sinh học (vật tư nông nghiệp, hóa chất,…)
- Tư vấn, tiếp thị tại các đơn vị thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm
- Tham gia giảng dạy Sinh học và Công nghệ Sinh học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp,.. .
- Tiếp tục theo học các bậc sau đại học
7.2.2. Hướng Công nghệ Sinh học Môi trường
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, Cử nhân Công nghệ Sinh học theo hướng Công nghệ Sinh học Môi trường có khả năng làm việc tại:
- Các nhà máy xí nghiệp, các công ty xử lý môi trường như: Trung tâm Bảo vệ môi trường, Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường, hoặc tại các Sở, Phòng, Ban Quản lý Tài nguyên & Môi trường ở các cấp chính quyền trung ương và địa phương.
- Các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là tại các sở: Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường, Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các huyện thị.
- Nhân viên phụ trách lĩnh vực môi trường trong các công ty như cấp thoát nước, tư vấn môi trường, nuôi trồng thủy sản và các nhà máy công nghiệp, các cơ quan quản lý môi trường, các cơ quan quy hoạch, khai thác khoáng sản và tài nguyên môi trường.
- Các công ty tư vấn, thiết kế, thi công, giám sát các công trình liên quan đến xử lý ô nhiễm như: xử lý nước thải, xử lý nước cấp, xử lý rác thải, xử lý đất ô nhiễm, xử lý không khí ô nhiễm,...
- Cảnh sát môi trường, chuyên viên đánh giá các dự án về môi trường và kinh tế môi trường
- Nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu có liên quan đến các lĩnh vực trên hoặc có thể là giảng viên giảng dạy về môi trường từ bậc trung học phổ thông đến cao đẳng, đại học
- Tiếp tục theo học các bậc sau đại học
7.3. Chuyên ngành Công nghệ Sinh học Y- Dược
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, Cử nhân Công nghệ Sinh học chuyên ngành Công nghệ Sinh học Y – Dược có khả năng làm việc tại:
- Các công ty liên quan đến lĩnh vực Công nghệ Sinh học Y – Dược: kĩ thuật viên hoặc nhân viên phòng sản xuất sinh phẩm, ví dụ như sản xuất:
+ Các bộ sinh phẩm dùng chẩn đoán các bệnh nhiễm do vi khuẩn, virus, bệnh di truyền, bệnh ung thư,…
+ Các bộ sinh phẩm dùng phát hiện tính kháng thuốc điều trị bệnh nhiễm, bệnh ung thư, …vvv;
+ Chiết xuất các hợp chất tự nhiên có dược tính, hay chiết xuất tinh dầu để ứng dụng trong lĩnh vực hương liệu, thực phẩm, hay nông nghiệp…
+ Kĩ thuật viên hoặc nhân viên phòng dịch vụ (đặc biệt chuyên về các dịch vụ xét nghiệm, kiểm nghiệm)
+ Nghiên cứu viên, kĩ thuật viên hoặc nhân viên phòng nghiên cứu & phát triển sản phẩm mới; nhân viên phòng kinh doanh; …
- Tại các bệnh viện hoặc trung tâm y tế: kĩ thuật viên hay nhân viên bộ môn/phòng xét nghiệm, đặc biệt chuyên về xét nghiệm vi sinh, sinh học phân tử, sinh hóa, miễn dịch
- Tại các viện hoặc trung tâm về Công nghệ Sinh học hay Sinh học: nghiên cứu viên, kĩ thuật viên hay nhân viên, tham gia vào các đề tài/dự án nghiên cứu, phát triển, chuyển giao,…
- Tham gia giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học
- Tiếp tục học các bậc sau đại học
Địa chỉ liên hệ
Cơ sở giảng dạy và nghiên cứu: Số 68, đường Lê Thị Trung, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Văn phòng khoa: Phòng 602, sô 35 - 37, đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1, Tp. HCM
Điện thoại: (028) 3838.6602
Video/Hình ảnh
Thư ngỏ
Hiệu Trưởng
Vì sao
chọn OU
Tổng quan
về OU
Thông tin
tham khảo
Câu hỏi
thường gặp
Cựu sinh viên
thành đạt
Trắc nghiệm
ngành nghề