Khoa Xã hội học -Công tác xã hội - Đông Nam Á

GIỚI THIỆU KHOA XÃ HỘI HỌC - CÔNG TÁC XÃ HỘI - ĐÔNG NAM Á HỌC

1. Giới thiệu tổng quát về Khoa
Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á đào tạo ngành Đông Nam Á học từ năm 1991, ngành Xã hội học năm 1992. 
Năm 2004, Khoa chính thức đào tạo ngành Công tác xã hội khi Bộ giáo dục và đào tạo cho phép cấp mã ngành. 
Năm 2023, Khoa đào tạo thêm một ngành mới: Tâm lý học.
Trường Đại học Mở TPHCM và Khoa là những đơn vị đầu tiên trên cả nước đào tạo XHH-CTXH-ĐNÁ.

2. Điểm nổi bật của Khoa

Chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên Chuẩn đầu ra, mang tính ứng dụng với thời lượng thực hành nhiều ở các môn thuộc ngành học và theo các hướng chuyên sâu:
- Xã hội học: Hướng chuyên sâu: Xã hội học tổ chức và Quản lý nguồn nhân lực
- Công tác xã hội: Đào tạo Công tác xã hội tổng quát
- Đông Nam Á học: Hướng chuyên sâu: Văn hóa- Du lịch
- Tâm lý học: Hai hướng chuyên sâu: Quản trị tổ chức; và Chăm sóc tinh thần; 
   Các giảng viên được đào tạo từ nhiều trường ở Việt Nam, Pháp, Bỉ, Philippines, Anh, Đức, Nhật, Đài Loan… tạo nên phong cách giảng dạy đa dạng và tham gia vào các dự án nghiên cứu xã hội, phát triển cộng đồng, công tác xã hội, tham vấn tâm lý. Tập thể giảng viên áp dụng phương pháp giáo dục chủ động, chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm trong quá trình giảng dạy và học tập, đó là kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, quản lý xung đột, kỹ năng thuyết trình… và ứng dụng công nghệ thông tin vào bài tập chuyên môn.

   Nhiều Tài liệu học tập được chính các giảng viên trực tiếp giảng dạy biên soạn được chắt lọc từ tri thức khoa học của thế giới và vận dụng phù hợp với thực tế Việt Nam, đặc điểm người học.

3. Các ngành - chuyên ngành đào tạo, mã ngành
- Ngành Xã hội học (Sociology); Mã ngành: 7310301
- Ngành Công tác xã hội (Social Work); Mã ngành: 7760101
- Ngành Đông Nam Á học (Southeast Asian Studies); Mã ngành: 7310620
- Ngành Tâm lý học (Psychology); Mã ngành: 7310401

4. Các chương trình đào tạo

1. NGÀNH XÃ HỘI HỌC
   Xã hội học LÀ MỘT NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI nghiên cứu hành vi xã hội, các mối quan hệ, tương tác (hòa bình, tuân thủ, ép buộc, xung đột…) của con người trong các tổ chức, các nhóm.

Học Xã hội học, Sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức và khả năng phân tích, giải thích: 
- Các mối quan hệ, tương tác trong gia đình, trong các nhóm, trong các tổ chức xã hội;

- Những vấn đề như tội phạm và luật pháp, nghèo đói và giàu có, định kiến xã hội, cộng đồng đô thị, các phong trào xã hội… 
- Chương trình đào tạo Xã hội học tập trung vào các chủ đề: Gia đình, Giới ; Lối sống ; Tội phạm ; Truyền thông đại chúng; Đô thị và Nông thôn ; Giáo dục ; 
- Hướng chuyên sâu « Xã hội học tổ chức và quản lý nguồn nhân lực »: Lao động, tổ chức, tham vấn trong tổ chức và kết hợp với khối kiến thức và kỹ năng quản trị như Quản trị nhân sự, Marketing…
- Những người học xã hội học được rèn luyện để biết cách tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, giao tiếp truyền thông rõ ràng và hiệu quả, biết phân tích các hiện tượng xã hội với các lý thuyết và kỹ năng xử lý dữ liệu định lượng và định tính.
- Người học tham gia 2 kỳ thực tập:
Thực tập tốt nghiệp Xã hội học
Thực tập tại tổ chức kinh tế/xã hội

   Điểm khác biệt của chương trình đào tạo so với các chương trình khác (thế mạnh): Chương trình đào tạo được thiết kế với hướng chuyên sâu, kết hợp giữa tri thức Xã hội học (về tổ chức, lao dộng, chính sách xã hội), tâm lý và tri thức và kỹ năng quản trị nguồn nhân lực.

   Để học ngành Xã hội học người học cần có sự yêu thích, óc tò mò, ý hướng sử dụng các lý thuyết và dữ liệu để giải thích các hiện tượng xã hội (các hành vi bị tác động bởi những người khác/chuẩn mực-giá trị xã hội, các mối quan hệ xã hội trong các nhóm/tổ chức, các sự kiện xã hội).

   Đầu ra/ cơ hội việc làm/ Định hướng nghề nghiệp/ Bạn sẽ là ai trong tương lai:
Người học sau khi tốt nghiệp ngành Xã hội học có thể làm việc ở các lĩnh vực như sau:
- Lĩnh vực nhà nước:
   Chuyên viên văn phòng và chuyên viên xã hội tại cơ quan nhà nước (Bộ, Sở, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp (các bộ phận và phòng ban như văn phòng, kế hoạch, nội vụ, dân tộc, văn hóa thông tin, lao động thương binh xã hội, kế hoạch đầu tư, và các đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh).
- Lĩnh vực doanh nghiệp:
   Nhân viên quản lý, tư vấn, tuyển dụng nhân sự và lao động; nhân viên nghiên cứu thị trường, nhân viên quản lý khách hàng làm việc tại phòng Nhân sự, phòng nghiên cứu thị trường, phòng kinh doanh tại các doanh nghiệp.
Nhân viên tổ chức sự kiện và truyền thông, quảng cáo tại công ty tổ chức sự kiện.
Tập sự tại các tổ chức truyền thông (truyền thanh, truyền hình, báo và tạp chí [bản in và online].
- Lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy
   Trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên tại các trung tâm, viện nghiên cứu. Nhân viên huấn luyện chương trình tại các trung tâm. Giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu
- Lĩnh vực dự án
   Nhân viên điều phối và phát triển dự án, nhân viên tư vấn chính sách, nhân viên xã hội tại các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội trong nước, các doanh nghiệp xã hội. Nhân viên tại các dự án phát triển cộng đồng (dự án giảm nghèo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, cải thiện chất lượng cuộc sống) của quốc tế và Việt Nam. 
-> Cơ hội phát triển nghề nghiệp: 
   Với các vị trí công việc ở trên, sau thời gian từ 3-5 năm, sinh viên có thể thăng tiến lên những vị trí như: quản lý và giám đốc dự án, phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo tại đơn vị.

   Bên cạnh đó, sinh viên có thể tham gia giảng dạy xã hội học và các môn học liên quan đến khoa học xã hội hoặc trở thành những nghiên cứu viên chính tại các trường Cao đẳng, đại học hoặc Viện nghiên cứu về khoa học xã hội nếu như sinh viên học tập nâng cao trình độ ở bậc cao hơn và có những chứng chỉ nghiệp vụ (như nghiệp vụ sư phạm...).

2. NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

CÔNG TÁC XÃ HỘI là một khoa học, một nghề chuyên nghiệp, KHÔNG PHẢI LÀM TỪ THIỆN, TÌNH NGUYỆN.

   Công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp, có MÃ NGHỀ, để giúp các cá nhân, các nhóm và các cộng đồng phát triển kỹ năng và khả năng của họ để sử dụng các nguồn lực của bản thân và của cộng đồng để giải quyết vấn đề. Công tác xã hội sử dụng những mối quan hệ xã hội là cơ sở cho những can thiệp giúp các cá nhân, nhóm… giải quyết vấn đề của họ.

Học Công tác xã hội, sinh viên sẽ trở thành Nhân viên xã hội- là những “bác sĩ” trực tiếp cầm “dụng cụ” để chữa trị các vấn đề xã hội. 

   Công cụ làm việc của Nhân viên xã hội là những phương pháp và kỹ năng: Phát triển cộng đồng, Công tác xã hội cá nhân, Công tác xã hội nhóm, Phương pháp nghiên cứu xã hội…

   Người học sẽ tham gia 4 kỳ thực tập tại các cơ sở xã hội, cộng đồng địa phương.

   Điểm khác biệt của chương trình đào tạo so với các chương trình khác (thế mạnh) Học Công tác xã hội, sinh viên sẽ có kiến thức về xã hội, tâm lý, các lý thuyết công tác xã hội, nắm vững và thực hành các phương pháp công tác xã hội như Công tác xã hội với cá nhân, công tác xã hội nhóm, phát triển cộng đồng. 

   Để học ngành Công tác xã hội người học cần có mong muốn được làm việc với con người, sử dụng tri thức và phương pháp-kỹ năng công tác xã hội chuyên nghiệp để giúp các cá nhân/nhóm/cộng đồng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của họ.

   Đầu ra/ cơ hội việc làm/ Định hướng nghề nghiệp/ Bạn sẽ là ai trong tương lai:
   Với tư cách là Công tác xã hội viên, sinh viên tốt nghiệp có thể thực hiện được các nghiệp vụ Công tác xã hội tại:
- Các cơ quan quản lý nhà nước ở các Bộ và ngành dọc phụ trách về vấn đề an sinh xã hội và các tổ chức chính trị xã hội: trở thành cán bộ ủy ban các cấp, cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ tham gia giải quyết một số vấn đề ở lĩnh vực an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, chính sách xã hội, dân số, sức khỏe, môi trường, văn hóa xã hội. 
- Các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các dự án phát triển xã hội, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức cung cấp dịch vụ trực tiếp công lập hoặc tư nhân hoặc tôn giáo và các cơ tổ chức tổ chức từ thiện nhân đạo: Nhân viên xã hội làm việc trực tiếp với cá nhân, nhóm, cộng đồng cần sự trợ giúp;
- Các doanh nghiệp trong và ngoài nước: Nhân viên công tác xã hội thể hiện vai trò là người hỗ trợ, tham mưu cho tổ chức, kết nối giữa công nhân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với xã hội, cải thiện các mối quan hệ tiêu cực ảnh hưởng đến doanh nghiệp
- Cơ sở giáo dục và quản lý giáo dục: Nhân viên xã hội học đường là người hỗ trợ nhà trường trong việc quản lý, trợ giúp giáo viên và học sinh sinh viên vượt qua những khó khăn về tâm lý xã hội, nâng cao kiến thức cho phụ huynh và học sinh, làm cầu nối giữa gia đình và nhà trường, giải quyết các mối quan hệ xã hội trong quá trình đào tạo.
- Các bệnh viện, cơ sở y tế: Nhân viên công tác xã hội là cầu nối giữa người bệnh, gia đình họ và đội ngũ nhân viên y tế, hỗ trợ trong việc phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, giúp người bệnh và gia đình được chăm sóc cả về thể chất, tinh thần, tiếp cận được những nguồn lực vật chất sẵn có. 
-> Khả năng phát triển nghề nghiệp: sau khi đã làm việc ở hạng công tác xã hội viên tối thiểu 3 năm và chứng tỏ được năng lực thực hành tốt, công tác xã hội viên chính chủ trì tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các nghiệp vụ công tác xã hội có yêu cầu phức tạp về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành như là giảng viên, nhà nghiên cứu, quản trị cơ sở, vận động và biện hộ chính sách ở cấp độ cơ sở xã hội, quốc gia hay khu vực.

3. NGÀNH ĐÔNG NAM Á HỌC

   Trong bối cảnh Cộng đồng Asean với mục tiêu đẩy mạnh mức độ hợp tác và liên kết khu vực về kinh tế, an ninh chính trị và văn hóa xã hội, Đông Nam Á học là một khoa học với cách tiếp cận khu vực học rất phù hợp. 

   Chương trình đào tạo cung cấp kiến thức dựa trên 3 trụ cột của Cộng đồng Asean: Kinh tế - An ninh chính trị - Văn hóa xã hội. 

   Học Đông Nam Á học, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức nền tảng về địa lý, lịch sử hình thành và phát triển khu vực Đông Nam Á, kinh tế, văn hóa khu vực Đông Nam Á, chính trị- ngoại giao, tôn giáo, lối sống và bản sắc dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á, mối bang giao giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á… và nắm vững các phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng và phương pháp nghiên cứu thực địa để nhận diện, phân tích các hiện tượng văn hóa, chính trị, kinh tế… 
   Người học sẽ tham gia kỳ thực tập tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học.

   Điểm khác biệt của chương trình đào tạo so với các chương trình khác (thế mạnh) Chương trình đào tạo được thiết kế với hướng chuyên sâu về Văn hóa-Du lịch Đông Nam Á giúp người học liên hệ, kết nối các kiến thức thuộc về hoạt động du lịch như thiết kế, điều hành tour, nghiệp vụ hướng dẫn …trong mối quan hệ với yếu tố văn hóa với các môn học: Văn hóa các nước Đông Nam Á lục địa-hải đảo, Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.

Ngoài tiếng Anh, sinh viên sẽ tiếp cận với 1 trong các ngôn ngữ sau: Trung, Hàn, Nhật, và Indonesia ở cấp độ giao tiếp.
   Để học ngành Đông Nam á học người học cần có mong muốn tìm hiểu, chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, quan hệ quốc tế… của các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á và ứng dụng những kiến thức được học vào các lĩnh vực như kinh doanh, ngoại giao, truyền thông…

   Đầu ra/ cơ hội việc làm/ Định hướng nghề nghiệp/ Bạn sẽ là ai trong tương lai:
- Chuyên viên phụ trách mảng nội dung về văn hóa, du lịch, đối ngoại tại các cơ quan, tổ chức nhà nước và sự nghiệp như Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, ban Thông tin truyền thông, ban Dân tộc, …
- Nhân viên kinh doanh, hướng dẫn viên tại các công ty du lịch, công ty truyền thông, sự kiện có thị trường tại các nước Đông Nam Á

   Cơ hội thăng tiến: Sau 1-5 năm làm việc cũng như bổ sung các chứng chỉ nghề nghiệp như nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ báo chí, chứng chỉ ngoại ngữ, hoàn thành các chương trình sau đại học, sinh viên ngành Đông Nam Á học có thể đảm nhận các công việc sau:
- Phụ trách điều hành các mảng công việc như: thiết kế, kinh doanh, điều hành, hướng dẫn tour cho các công ty du lịch có thị trường tại các nước Đông Nam Á.
- Biên tập viên, chuyên viên tổ chức các chương trình về văn hóa cho các tổ chức, cơ quan truyền thông sự kiện.
- Chuyên viên phụ trách công tác trợ lý, tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến các nước Đông Nam Á.
- Cán bộ làm việc cho các dự án, các cơ quan, tổ chức quốc tế và phi chính phủ có hợp tác tại Đông Nam Á.
- Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các viện nghiên cứu, các trường cao đẳng, đại học có nghiên cứu, giảng dạy về Đông Nam Á học. 

4. NGÀNH TÂM LÝ HỌC

    Tâm lý học là một khoa học về tâm trí, hành vi của con người.  Người học được cung cấp tri thức Tâm lý học để nghiên cứu suy nghĩ, chức năng não bộ, hành vi, cảm xúc, nhân cách, quá trình phát triển của con người: Tâm lý học nhân cách, Tâm lý học phát triển, Tâm lý học xã hội, Tham vấn, Tâm lý học tổ chức và công nghiệp, Tâm lý học quản lý…

   Điểm khác biệt của chương trình đào tạo so với các chương trình khác (thế mạnh)
 Sau khi tiếp cận tri thức Tâm lý học, người học có thể lựa chọn một trong hai hướng ứng dụng:
- Quản trị tổ chức: Tâm lý học trong quản trị; nhóm và động lực làm việc; luật liên quan đến công tác nhân sự
- Chăm sóc tinh thần: Tâm lý học sức khỏe, sức khỏe tâm thần của người lao động.

   Đầu ra/ cơ hội việc làm/ Định hướng nghề nghiệp/ Bạn sẽ là ai trong tương lai:
- Các doanh nghiệp trong và ngoài nước: hỗ trợ, tham mưu cho tổ chức trong công tác nhân sự (tuyển chọn, sử dụng, đào tạo, phát triển, …), chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, kết giữa người lao động với doanh nghiệp, với tổ chức, giữa doanh nghiệp, tổ chức với xã hội, cải thiện các mối quan hệ tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình vận hành và quản trị doanh nghiệp, tổ chức nhằm nâng cao hiệu suất lao động. Nghiên cứu hành vi khách hàng, đề xuất chiến lược thay đổi chiến lược kinh doanh.
- Các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các dự án phát triển xã hội, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức cung cấp nguồn nhân lực tại các đơn vị dịch vụ trực tiếp công lập hoặc tư nhân hoặc tôn giáo và các cơ tổ chức tổ chức từ thiện nhân đạo: Chuyên viên tâm lý làm việc trực tiếp với cá nhân, nhóm, cộng đồng và các tổ chức cần về lĩnh vực về nhân sự, quản trị, … Chuyên viên nghiên cứu về các vấn đề nguồn nhân lực tại các tổ chức (tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, …).
- Tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội: trở thành cán bộ ủy ban các cấp, cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ tham gia giải quyết một số vấn đề ở lĩnh vực xã hội, chăm sóc tinh thần người lao động, hoạch định chiến lược nhân sự và các vấn đề liên quan văn hóa xã hội. 
- Cơ sở giáo dục và quản lý giáo dục: trợ giúp giáo viên và học sinh sinh viên vượt qua những khó khăn về tâm lý xã hội, nâng cao kiến thức cho phụ huynh và học sinh, làm cầu nối giữa gia đình và nhà trường, giải quyết các mối quan hệ xã hội trong quá trình đào tạo.
- Bệnh viện và các cơ quan, đơn vị có chức năng chăm sóc tinh thần cho người lao động: Thiết kế các công cụ hoặc sử dụng các thang đo về sức khoẻ tâm thần nhằm đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, những tác động từ môi trường làm việc đến người lao động. 

Người học Tâm lý học cần biết lắng nghe, thấu cảm, kiên nhẫn, vị tha để có thể hành nghề Tâm lý học.

5. Chính sách hỗ trợ sinh viên

   Chính sách hỗ trợ sinh viên: Theo Chính sách chung của Trường Đại học Mở TP.HCM

   Hoạt động sinh viên: Các hoạt động ngoại khóa của Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên giúp sinh viên trải nghiệm cuộc sống sinh viên, rèn luyện kỹ năng mềm, rèn luyện bản lĩnh sinh viên.

   Khoa thường tổ chức các cuộc thi: Nhà truyền thông chuyên nghiệp; Vòng quanh Đông Nam Á; Tôi viết… Các buổi báo cáo chuyên đề, tập huấn về Phương pháp nghiên cứu xã hội