GIỚI THIỆU KHOA KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ CÔNG
Giới thiệu 1
1. Giới thiệu Khoa Kinh tế và Quản lý công
1.1 Lịch sử hình thành
Khoa Kinh tế và Quản lý công được thành lập năm 2007 trên cơ sở tách khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh thành khoa Kinh tế và khoa Quản trị Kinh doanh.
Đến năm 2010, Khoa Kinh tế đổi tên thành khoa Kinh tế và Luật để phù hợp với hai ngành đào tạo của khoa là ngành Kinh tế và ngành Luật Kinh tế.
Tháng 10 năm 2015, Khoa Kinh tế và Luật tách thành hai khoa là Khoa Luật và Khoa Kinh tế và Quản lý Công.
1.2 Ngành đào tạo
Khoa Kinh tế và Quản lý công có 2 ngành đào tạo:
- Ngành Kinh tế, bắt đầu đào tạo từ năm 2003.
- Ngành Quản lý công, bắt đầu đào tạo từ năm 2016.
1.3 Đội ngũ giảng viên
Khoa Kinh tế và Quản lý công hiện có đội ngũ tham gia giảng dạy gồm 25 giảng viên, trong đó có 1 PGS.TS, 06 tiến sĩ và 18 thạc sĩ (trong đó có 08 thạc sĩ đang học nghiên cứu sinh). Đội ngũ giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý Công được đào tạo từ các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước.
1.4 Khái quát về các ngành đào tạo
Chương trình đào tạo ngành Kinh tế và ngành Quản lý công được thiết kế trên nền tảng cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hội nhập của đất nước. Cử nhân ngành Kinh tế và ngành Quản lý công được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc tại các tổ chức, đơn vị trong khu vực công, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các tổ chức nghiên cứu chuyên ngành.
Bên cạnh việc học tập với giảng viên trên lớp, sinh viên Khoa Kinh tế và Quản lý công còn có cơ hội được trau dồi khả năng tư duy và các kỹ năng thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật để ứng dụng kiến thức vào thực tiễn tại CLB Kinh tế Trẻ, CLB Đầu tư Kinh tế, CLB Tiếng Anh Kinh tế, CLB Văn-Thể-Mỹ Kinh tế của Khoa Kinh tế và Quản lý Công cũng như các CLB học thuật và kỹ năng khác của Trường, các chương trình tham quan thực tế tại các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
2. Giới thiệu về Kinh tế
Ngành Kinh tế bắt đầu đào tạo bậc đại học từ năm 2003 với ba chuyên ngành: Kinh tế học, Kinh tế quốc tế và Kinh tế đầu tư. Ngành Kinh tế đã được kiểm định thành công theo tiêu chuẩn của tổ chức FIBAA (Châu Âu).
2.1 Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo ngành Kinh tế được thiết kế gọn nhẹ, bao gồm những học phần rất thiết thực với 126 tín chỉ. Sinh viên tốt nghiệp sau ba năm rưỡi học tập. Chương trình chú trọng cung cấp cả thông tin liên quan đến Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế phát triển cũng như các công cụ nghiên cứu như Thống kê trong Kinh tế, Kinh tế lượng, Phương pháp nghiên cứu…
2.2 Vị trí làm việc sau tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại nhiều đơn vị, lĩnh vực cụ thể như sau:
- Làm việc tại các doanh nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có thể làm việc ở nhiều vị trí trong doanh nghiệp như chuyên viên nghiên cứu, phân tích số liệu; chuyên viên phân tích và nghiên cứu thị trường; chuyên viên phân tích đầu tư, quản lý dự án. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế quốc tế có thể làm việc tại các công ty xuất nhập khẩu, công ty kho vận (Logistic), công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty đa quốc gia…
- Làm việc tại các cơ quan nhà nước
Với thiên hướng nghiên cứu về kinh tế vĩ mô nên sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế đặc biệt thích hợp với các vị trí công việc trong khu vực nhà nước.
Các cơ quan chính phủ mà sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có thể làm là các Ủy Ban Nhân Dân và Ban ngành cấp tỉnh (Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư…) hoặc Ủy Ban Nhân Dân và Phòng, Ban ngành cấp huyện (Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế…).
- Làm việc tại các tổ chức đầu tư hoặc bộ phận đầu tư trong ngân hàng
Các sinh viên ngành Kinh tế chuyên ngành Kinh tế đầu tư được trang bị các kiến thức của liên quan đến đầu tư kinh tế. Do đó, sau khi tốt nghiệp, các sinh viên chuyên ngành này cũng có thể làm việc, phát triển tốt tại các tổ chức kinh tế chuyên về hoạt động đầu tư phát triển, hoặc các tổ chức đầu tư để thực hiện các dự án phục vụ công tác xã hội, hoặc mảng công tác đầu tư tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.
- làm việc tại các tổ chức nghiên cứu
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế học còn có thể làm nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu như Viện Nghiên Cứu Kinh tế, Viện Nghiên Cứu Phát triển, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ…
- Làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo
Những sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế với kết quả xuất sắc có thể tham gia công tác giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, nếu muốn theo đuổi con đường giảng dạy và nghiên cứu thì sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên nên tiếp tục học tập bậc sau đại học tại các cơ sở đào tạo uy tín.
3. Giới thiệu ngành Quản lý công
Trong các năm học từ 2016-2021, Quản lý Công được đào tạo ở chuyên ngành thuộc ngành Kinh tế. Từ năm học 2022-2023, chuyên ngành Quản lý Công được phát triển thành ngành Quản lý Công.
3.1 Chương trình đào tạo
Chương trình Quản lý Công với 128 tín chỉ, được thiết kế với tính cập nhật và thực tiễn rất cao, phù hợp với xu hướng hội nhập của đất nước thông qua các môn học mới mà chính phủ và các địa phương đang cần như Dịch vụ công, Mua sắm công, Chính phủ điện tử, Quản trị dự án công, Quản trị nguồn nhân lực công, Quản trị chất lượng khu vực công, Marketing khu vực công...
3.2 Vị trí làm việc sau tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại nhiều đơn vị, lĩnh vực cụ thể như sau:
- Làm việc tại các cơ quan Nhà nước
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý công đặc biệt thích hợp với các vị trí công việc trong khu vực công. Rất nhiều vị trí công việc có liên quan đến các lĩnh vực thuộc ngành Quản lý công như Quản lý đô thị, Quản trị y tế, Quản trị tổ chức công, Phân tích chính sách, Thẩm định dự án, Kinh tế quốc tế, Kinh tế môi trường, Chính phủ điện tử, Lãnh đạo và Nhân sự khu vực công… Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý công có thể làm việc tại các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong các lĩnh vực Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Lao động – Thương binh xã hội, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông…
- Làm việc tại các doanh nghiệp
Được trang bị các kiến thức thuộc kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô, thống kê trong kinh tế, kinh tế lượng trong chương trình đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý công cũng làm việc tốt tại các vị trí trong khối doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cho như là chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên nghiên cứu thị trường, chuyên viên thẩm định và quản lý dự án đầu tư tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty nghiên cứu thị trường...
Bên cạnh đó, kiến thức ngành Quản lý công cũng sẽ tạo lợi thế cho sinh viên khi làm việc tại các ngân hàng, doanh nghiệp và tập đoàn lớn, nơi có mối quan hệ lâu dài và chuyên sâu với nhiều cơ quan nhà nước. Đặc biệt là các vị trí như chuyên viên phụ trách mua sắm công, chuyên viên thuế.
Ngoài ra, sinh viên còn có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp xã hội và phi lợi nhuận.
- Làm việc tại các tổ chức quốc tế
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập với nhiều hiệp định được ký kết liên tục, từ gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều Hiệp định thương mại song phương (FTA) khác, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý công có cơ hội lớn trong việc tham gia vào các tổ chức quốc tế về kinh tế, chính sách và quản lý công như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các tổ chức phi chính phủ (NGOs)...
- Làm việc tại các tổ chức nghiên cứu
Do đặc thù của chương trình đào tạo cung cấp một khối lượng lớn kiến thức về lượng hóa các mối quan hệ kinh tế trong khu vực công cũng như được trang bị kiến thức của môn phương pháp nghiên cứu khoa học và các kỹ năng nghiên cứu khoa học khi tham gia vào các CLB trong quá trình học nên sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý công có thể làm việc tại các tổ chức nghiên cứu về kinh tế-quản lý công, tư vấn chính sách như Viện nghiên cứu Kinh tế, Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển...
- Làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý Công cũng rất thích hợp làm việc tại các cơ sở giáo dục & đào tạo với vị trí quản lý khoa học hoặc tiếp tục học nâng cao để giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực Kinh tế và Quản lý công.